XU HƯỚNG MỚI: QUÉT LÀ THANH TOÁN
Theo như dự đoán, số người thanh toán qua smartphone ở Việt Nam sẽ đạt mốc 5,4 triệu vào năm 2022.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, hình thức thanh toán di động phổ biến nhất là thanh toán qua QR Code. Nó phổ biến tới mức tại Trung Quốc, người ăn xin cũng có mã QR riêng. Với khả năng có thể phục hồi 30-35% dữ liệu trong trường hợp bị vấy bẩn, bị hỏng... QR Code giúp khắc phục hoàn toàn những hạn chế của mã vạch truyền thống. Khách hàng sử dụng hình thức thanh toán này không cần nhập thông tin cá nhân (số tài khoản, số thẻ...) hạn chế tối đa khả năng hacker khai thác.
Còn tại Việt Nam, nhiều NH cũng đã tích hợp giải pháp thanh toán QR Pay trên ứng dụng di động. Không chỉ các NH có quy mô lớn, ngay kể cả với những nhà băng bậc trung hoặc nhỏ, ứng dụng QR Code đang dần len lỏi vào hệ thống thanh toán của họ.
Thanh toán với QR Code đang trở thành phương thức đột phá cho các NH, thay đổi cách thức và mô hình kinh doanh của nhà băng.
Lợi ích lớn nhất của mã QR là tính linh hoạt, thuận tiện với cả người tiêu dùng, DN lẫn NH. Việc bổ sung tính năng thanh toán QR Code cho hệ thống mobile banking hiện tại sẽ giúp cho cả phía DN và NH cắt giảm được nhiều chi phí.
Tuy nhiên, chỉ riêng mã QR đã có nhiều đơn vị khác nhau cung cấp với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau. Dẫn tới việc khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, thị trường bị chia cắt và người dùng thấy bất tiện.
Mới đây, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) có chia sẻ, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng một Dự thảo về Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”. Đây có lẽ là điều được mong chờ nhất, bởi có một chuẩn chung cho phương thức thanh toán này sẽ giúp đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu, tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể phát sinh. Ấn Độ được ghi nhận là quốc gia đi tiên phong trong đồng bộ hoá thị trường thanh toán với chuẩn mã QR chung.
Nguồn thoibaonganhang